Giải Ba | Hạng mục “Sinh viên” | Việt Nam | FuturArc Prize 2023
thuộc về Cao Xuân Tùng
Cao Xuân Tùng tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội và hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ Kiến trúc tại KU Leuven, Bỉ. Tùng được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Việt Nam, trong thời đại có nhiều biến đổi về kinh tế – xã hội. Việc chứng kiến sự phát triển năng động và nhanh chóng của siêu đô thị châu Á trong những năm qua đã khơi nguồn cảm hứng cho Tùng quan tâm nhiều hơn đến tiềm năng của những không gian công cộng giúp tăng thêm tính kết nối đô thị. Tùng luôn tin rằng những can thiệp nhỏ trong không gian có thể tạo ra tác động lớn đến chất lượng cuộc sống.
THÁCH THỨC
Kyoto là một trong những thành phố đông dân cư nhất Nhật Bản, khoảng 55% số dân của tỉnh Kyoto tập trung tại đây, đây là tỷ lệ cao nhất trong số các tỉnh ở Nhật Bản. Thách thức mà thành phố này đang phải đối mặt là nguy cơ suy giảm dân số, nguyên nhân là do quá tải du lịch và già hoá dân số. Khu dân cư Aneyakouji, nằm trong trung tâm lịch sử của Kyoto, là một ví dụ thú vị về không gian ở và du lịch của thành phố. Toàn bộ khu vực này là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống với những ngôi nhà Kyo-machiya và sự hiện đại của các toà nhà thương mại và chung cư cao tầng.
GIẢI PHÁP
Đồ án này đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội thông qua việc tạo ra không gian công cộng, đặc biệt, tạo môi trường thân thiện cho những người già, có thể tiếp cận các không gian một cách dễ dàng – vì dường như không gian công cộng tại đây chưa thực sự được quan tâm đúng mức, hầu hết các khu đất trống hiện trạng quanh khu vực đang được sử dụng làm bãi đỗ xe ô tô, trong khi hầu hết các mảng xanh rải rác trong khu vực đều thuộc về tư nhân.
Lấy cảm hứng từ hình ảnh rừng tre Kyoto, kết cấu tích hợp giữa sắt và cây tre được sử dụng nhằm tạo ra một môi trường linh động và đa năng. Chức năng đỗ xe được giữ nguyên tại tầng trệt, và một không gian hoàn toàn mới với rừng tre được tích hợp trên cao phục vụ các hoạt động cộng đồng.
Rừng tre vừa là không gian xanh tạo bóng râm, làm mát cho không gian đô thị, vừa đem lại môi trường thiên nhiên phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Kết cấu nhẹ được sử dụng nhằm giảm thiểu tối đa sự hiện diện của công trình mới lên không gian hiện hữu. Cột và dầm thép mỏng với những ván mô-đun thép đục lỗ giúp không gian mở hơn để đón gió và ánh sáng.
Tre được sử dụng làm kết cấu hỗ trợ vì tính dẻo và bền của vật liệu, cùng lúc có thể mang thiên nhiên hòa vào bối cảnh đô thị. Hệ thống các ram dốc giúp người dân, đặc biệt là người già, tiếp cận không gian trên cao một cách thuận tiện hơn. Thêm vào đó, những cấu kiện được sản xuất theo dạng mô-đun phục vụ cho việc tháo lắp, bảo trì cũng như thích ứng tốt với các nhu cầu biến đổi không gian trong tương lai.
BÌNH LUẬN TỪ BAN GIÁM KHẢO
KTS Vũ Linh Quang:
Thí sinh dự thi đưa ra một giải pháp thiết thực tích hợp các bãi đỗ xe hiện có với không gian kết nối công cộng dưới dạng tòa nhà được thiết kế ngăn nắp, tổ chức tốt và dễ thực hiện với chi phí hợp lý. Vật liệu tre là một lựa chọn rất lý tưởng vì nguồn cung dồi dào, có khả năng tái tạo nhanh, mang lại không gian xanh, giảm hiệu ứng đảo nhiệt và quen thuộc với người dân địa phương. Kết cấu tích hợp này có thể nhân rộng, không ảnh hưởng đến hiện trạng khu vực, dễ dàng lắp ráp, lắp đặt và có thể kết hợp nhiều chức năng khác nhau để phục vụ nhu cầu của khu vực lân cận.
KTS Miya Irawati
- Ý tưởng này đơn giản nhưng hấp dẫn, đặc biệt là phần nâng không gian cộng đồng và bãi đậu xe lên cao, đồng thời có thể được nhân rộng dễ dàng ở bất cứ đâu.
- Việc lựa chọn các mô-đun 5×5 m2 với kết cấu đỡ bằng tre, có tính đến các mối nối, cho thấy thí sinh dự thi đã suy nghĩ từng chi tiết của đồ án như một dự án thực tế.
- Cần xem độ bền của cây tre như một kết cấu đỡ, đặc biệt liên quan đến kết cấu dàn giáo dành cho không gian phục vụ cộng đồng hoàn toàn mới này.
KTS Tan Loke Mun:
Các trung tâm đô thị đầy những khu vực không có sự sống và khu vực chết. Đồ án này đưa ra được ý tưởng làm cho khu vực này trở nên có sức sống hơn, phát huy được giá trị sử dụng. Tre là vật liệu phù hợp, dễ dàng sử dụng trong công trình; có khả năng tái sinh nhanh chóng đáp ứng sử dụng linh hoạt, và thân thiện với môi trường.
KTS Nan Chyuan:
Việc thêm đô thị nhỏ không nhằm mục đích thay đổi hoàn toàn khu vực này, mà đây là cải tiến và nỗ lực tạo ra các không gian xanh. So với các đồ án khác, quy mô đồ án này tốt và những vấn đề cần phải giải quyết cũng rất khác.
THÔNG TIN DỰ ÁN
Tên dự án: Urban Bamboo Forest
Địa điểm: Khu lân cận Aneyakoji, TP. Kyoto, Nhật Bản
Diện tích: 1.200 m2
Cơ cấu dân số:
13% (0-17 tuổi)
58,7% (18-64 tuổi)
28,3% (65+ tuổi)
Nguồn: Dân số thành phố năm 2019
ー Construction+ Online