Tọa lạc tại Làng Chăm Châu Phong, An Giang, đồ án Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tín ngưỡng Chăm Hồi giáo là một không gian giao lưu chia sẻ và học hỏi dành cho cộng đồng người Chăm cũng như các đoàn thể dân tộc. Công trình đóng vai trò “cầu nối” giữa đô thị cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa đời sống văn hóa và tín ngưỡng, giữa con người với con người, và giữa con người với tín ngưỡng, góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa, và thúc đẩy du lịch cũng như phát triển kinh tế cho cộng đồng người Chăm ở An Giang.
Công trình là tập hợp các lớp layer “Chăm – Hồi – Đồng bằng sông Cửu Long”. Mỗi lớp layer mang một bản sắc riêng, hòa trộn vào nhau tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hòa và thu hút. Trục và hướng là hai yếu tố rất được chú trọng trong toàn bộ thiết kế, nhằm đáp ứng những giá trị về mặt tinh thần. Các khối công trình được tính toán theo mô đun hướng vào nhau và cùng hướng về thánh đường theo triết lý Hồi giáo. Cụ thể, trục lễ hội được bố trí xuyên suốt công trình dẫn đến hướng Tây – hướng Thánh địa Mecca, cùng hướng nhìn khi các tín đồ Hồi giáo hành lễ.
Một “vành đai” uốn lượn được hình thành song song với việc tạo sân chơi cộng đồng nhằm liên kết các khối chức năng, hướng đến tinh thần đoàn kết trong cộng đồng và cộng đồng với đức tin. Các khối chức năng bao gồm không gian trải nghiệm văn hóa làng nghề truyền thống, không gian trưng bày, các lớp học kinh Koran và thư viện cộng đồng, v.v. được bố trí theo dạng mô đun bao quanh sân lễ hội và nhiều sân trong nhỏ mang đặc trưng hình thái cư trú Palei của người Chăm, mang đến không gian mở kết nối với vành đai giao thông bao quanh, và tạo sự liên kết chặt chẽ các hạng mục trong công trình, góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống tại nơi đây.
Màu vàng của gỗ và đất là tông màu chủ đạo tạo thêm điểm nhấn cho công trình, mang đến sự hài hòa với bối cảnh xung quanh, tôn lên sự trang nghiêm của thánh đường Hồi giáo. Ngoài ra, yếu tố cảnh quan được thể hiện thông qua quảng trường ven kênh dạng bậc cấp, kết hợp những loại cây trồng đặc trưng vùng ngập nước, cũng giúp tăng thêm màu sắc và tính bản địa trong kiến trúc công trình. Đây vừa là nơi tụ họp vừa là nơi chào đón du khách theo tuyến du lịch đường thủy.
KỸ THUẬT – VẬT LIỆU
Thách thức lớn nhất của đồ án đó chính là xây dựng một Trung tâm văn hóa kết hợp tín ngưỡng quy mô và ấn tượng nhưng không lấn át những nét đặc trưng của làng Chăm bên cạnh, đồng thời phải thể hiện được kiến trúc Chăm – Hồi giáo. Giải pháp chính là sự quan tâm đến yếu tố tự nhiên và bối cảnh hiện hữu ngay tại vị trí khu đất. Cụ thể, để ứng phó với khí hậu cũng như giữ gìn nét đặc trưng của làng Chăm An Giang, các yếu tố truyền thống như nhà sàn và hình thái cư trú Palei đã được chọn lọc vào đồ án, kết hợp nghiên cứu sâu về nghệ thuật sử dụng ánh sáng và họa tiết trong kiến trúc Hồi giáo để làm nổi bật các không gian bên trong.
Đồ án được tính toán giữ nguyên một phần hiện trạng nền đất, cũng góp thêm phần gắn kết với môi trường. Một trong những điểm nổi bật chính là việc sử dụng cote sàn tầng hầm làm sân lễ hội, khai thác hình thức sinh hoạt dưới nhà sàn và cả trên mái, giúp tối ưu giá trị không gian công cộng, thúc đẩy sự kết nối và ý thức cộng đồng.
Để hòa hợp với kiến trúc Chăm và ngôn ngữ Hồi giáo, vật liệu được sử dụng chủ đạo trong công trình là gỗ. Hệ kết cấu gỗ được bao phủ hầu như toàn bộ công trình, vừa mang đậm dấu ấn đặc trưng vùng miền vừa tiện lợi bảo dưỡng.
THÔNG TIN ĐỒ ÁN
Tên đồ án: Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tín ngưỡng Chăm Hồi giáo
Tên sinh viên: Nguyễn Thị Thu Hường
Trường: Đại học Kiến trúc TP.HCM
Chương trình: Đại học chính quy
Giám sát/ Hướng dẫn: ThS. KTS.Phạm Quang Diệu
Năm đồ án: 2023
Địa điểm: Làng Chăm Châu Phong, Thị xã Tân Châu, An Giang
Diện tích khu đất: 6 ha
Tổng diện tích xây dựng: 15.000 m2
Chiều cao công trình: 4 tầng
Hình ảnh bởi: Nguyễn Thị Thu Hường
ー Construction+ Online