Khi nhắc đến kiến trúc truyền thống Việt Nam, người ta có thể nghĩ rằng tre là một loại vật liệu điển hình được sử dụng trong công trình. Nếu điểm lại nhanh các dự án nổi bật trong những năm gần đây tại Việt Nam, chúng ta có thể hài lòng với giả định này. Đóng góp một phần không nhỏ vào điều này, có lẽ chính là những kiến trúc sư như Võ Trọng Nghĩa, người đã dám tạo ra một cuộc cách mạng về việc sử dụng tre trong kiến trúc Việt những năm vừa qua.
Gọi tre là “thép xanh của thế kỷ 21”, ông Nghĩa chia sẻ, “Tre có thể uốn cong. Đây là một đặc tính quan trọng. Sử dụng tre uốn cong, kết cấu công trình sẽ có hình dạng và vẻ đẹp độc đáo. Với cách xử lý phù hợp — ngâm tre trong bùn và hun khói — tre có thể đạt được độ bền như gỗ”.
Và ông uốn cong chúng. Castaway Island và Naman Retreat là 2 dự án điển hình về ứng dụng này—người ta sẽ nghĩ rằng tre là loại vật liệu dễ uốn cong nhất thế giới. Không những vậy, những công trình mà ông sử dụng tre vừa tạo sự kinh ngạc vừa mang đến một cảnh đẹp tuyệt vời đáng để ngắm nhìn.
Các công ty kiến trúc khác như H&P Architects cũng đã sử dụng tre theo những cách khác nhau nhưng không kém phần ấn tượng, phô diễn được độ bền và khả năng phục hồi của vật liệu. Điển hình qua 2 dự án nổi bật, gồm Không gian S (S Space) và Vườn vệ sinh (Toigetation).
Tuy nhiên, kiến trúc truyền thống tại Việt Nam khá giống với kiến trúc các nước láng giềng như Trung Quốc và Thái Lan – với kết cấu gỗ và mái dốc, tương tự kiến trúc của những ngôi chùa cổ. Gạch được sử dụng phổ biến vì chúng vốn là vật liệu địa phương của Việt Nam và của khu vực.
Vì vậy, nhiều công trình Việt Nam ngày nay vẫn sử dụng gạch làm vật liệu chính. Ưu điểm của gạch đối với khí hậu Việt Nam, là vật liệu cách nhiệt tuyệt vời, với cấu trúc xốp giúp giữ lại độ ẩm sáng sớm, và bay hơi giúp làm mát vào giữa trưa. Theo cách diễn giải hiện đại tại Việt Nam, một số kiến trúc sư đã sử dụng gạch theo những cách sáng tạo, vừa tận dụng đặc tính thích ứng tốt với khí hậu và thân thiện với môi trường, vừa tạo được biểu tượng văn hóa về sự khéo léo và tinh xảo tại địa phương.
Nhiều công trình trong số đó như Nhà Tổ Mối (Termitary House), Maison T, Trung tâm Giáo dục Đào tạo Viettel (Viettel Academy Educational Center), Nhà “Hang Gạch” (Brick Cave), Nhà Mái Đỏ (The Red Roof), Homefood, VH House, v.v. đã được quốc tế công nhận nhờ vào cách sắp xếp gạch đồng bộ với thiết kế tòa nhà, nhất là những bức tường và cửa thông gió, làm nổi bật vẻ đẹp của vật liệu thô và nét nghệ thuật sang trọng. Những bức tường gạch này không những giúp thông gió tự nhiên và cung cấp đủ ánh sáng vào ban ngày, mà còn giúp tăng tính thẩm mỹ và toát lên cảm giác ấm cúng, đặc biệt phù hợp với công trình nhà ở. Là vật liệu địa phương của Việt Nam, gạch có giá thành phải chăng và dễ mua, do đó gạch trở thành vật liệu tuy đơn giản nhưng hấp dẫn cả về giá thành lẫn tác động đến môi trường, hỗ trợ việc thiết kế và xây dựng các trụ sở hoặc văn phòng diện tích nhỏ. Và khi người ta xem xét những công trình quy mô nhỏ hẹp tại hầu hết các khu dân cư trong thành phố—nhà ống—gạch đã trở thành một lựa chọn phổ biến đối với các kiến trúc sư địa phương, khi họ muốn tạo ra những mặt đứng độc đáo cho những ngôi nhà truyền thống này.
ー Construction+ Online