Tọa lạc tại cuối con đường Hào Nam, đồ án kiến trúc Nhà ga Cát Linh được tạo hình là một hình ảnh về những đường nét trải dài tựa như những dòng chảy trong đô thị, nhằm phát huy hết vai trò và chức năng của một công trình công cộng trong khu dân cư, và hòa hợp với bối cảnh đô thị xung quanh. Công trình là sự giao thoa, chuyển mình của thời đại, và cũng là hình ảnh đại diện cho đô thị Hà Nội.
Với quy mô xây dựng 3 tầng, tầng 1 vừa là sảnh đi và đến của hành khách sử dụng đường sắt đô thị số 2A, vừa là một điểm cảnh quan cây xanh công cộng cho khu vực dân cư. Tầng 2 là sảnh lên xuống nhà ga kết hợp với chức năng thương mại nhỏ, và tầng 3 là khu vực ke ga, lên xuống tàu dành cho hành khách sử dụng tàu.
Điểm nổi bật của thiết kế chính là sự kết nối với bối cảnh đô thị, vị trí công trình tại khu dân cư thiếu điểm công cộng nên cảnh quan công trình đặc biệt được chú trọng. Ngoài ra, với thiết kế đa chức năng, công trình còn hướng đến đa dạng đối tượng sử dụng như hành khách, người dân xung quanh và những người qua lại.
Theo quy hoạch, khu đất được xác định để xây dựng nhà ga có diện tích nhỏ hình tam giác. Đây chính là một thách thức trong quá trình lên ý tưởng cũng như thiết kế. Do đó, sự sáng tạo trong tổ chức không gian, và tạo hình kiến trúc được tính toán cẩn thận nhằm đáp ứng các điều kiện về chức năng, thân thiện với người sử dụng, đồng thời tích hợp được yếu tố xanh, và yếu tố sinh thái tự nhiên.
Với những yêu cầu về mặt kỹ thuật tương đối khắt khe đối với những công trình đầu mối giao thông về kết cấu trụ cột bê tông vững chắc và hệ vòm không gian, các công trình nhà ga trong đô thị tựa như những khối bê tông cục mịch giữa lòng thành phố. Đồ án đã tận dụng yếu tố kết cấu và kỹ thuật, tổ chức một cách khoa học để tạo hình các không gian. Những khối bê tông thô kệch, hệ vòm khung kim loại trở thành các yếu tố cảnh quan mềm mại chảy dài trong đô thị. Bề mặt công trình uốn lượn theo nhiều hướng, được tận dụng để thu nước mưa và ánh nắng mặt trời, tăng tính hiệu quả về năng lượng và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, công trình còn hướng tới mục đích tiết kiệm năng lượng. Do vậy, tạo hình và cách sử dụng vật liệu được dựa trên các yếu tố như năng lượng mặt trời, thu thập nước mặt, không gian xanh và thông thoáng tự nhiên. Bề mặt công trình thay đổi theo các góc, các tấm pin năng lượng mặt trời được bố trí ngang dọc để hấp thụ năng lượng nhiều nhất có thể, tạo ra một phần điện năng phục vụ cho hoạt động của công trình, đồng thời, mang lại hiệu quả lâu dài về kinh tế cũng như môi trường.
Ngoài ra, nước mặt cũng được thu về các điểm kết cấu trên bề mặt mái, và được tái sử dụng vào mục đích tưới cây xanh cảnh quan trong công trình. Bề mặt của công trình được kết cấu từ nhiều module và hệ khung với lam chắn nắng bằng vật liệu nhôm, các không gian được ngăn cách nhau bởi kính hai lớp ngăn cách âm thanh, và giảm đi sự ô nhiễm tiếng ồn trong đô thị. Nhờ tạo hình và chủ đích có nhiều không gian mở, công trình có thể dễ dàng “hô hấp”, đối lưu không khí. Các không gian xanh dưới tầng trệt, được mở rộng tối đa, thân thiện với môi trường, giúp công trình trở thành một khu vườn công cộng mà ai cũng có thể đến để tận hưởng. — Construction+ Online
THÔNG TIN ĐỒ ÁN
Tên đồ án: Nhà ga Cát Linh tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh – Hà Đông
Tên sinh viên: Huỳnh Tố Nga
Trường học: Đại học Kiến trúc Hà Nội
Chương trình: Đào tạo chính quy
Giám sát/ Hướng dẫn: Th.S. KTS Tạ Tuấn Anh
Năm đồ án: 2019
Địa điểm: 192 Hào Nam, Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội
Diện tích khu đất: 0,86ha
Tổng diện tích sàn xây dựng: 7.200m2
Chiều cao công trình: 24m
Hình ảnh bởi: Huỳnh Tố Nga