Kiến trúc sư Hồ Khuê là nhà sáng lập công ty ALPES Green Design & Build, hiện nay ông đang đảm nhận vai trò kiến trúc sư trưởng và là giám đốc điều hành công ty. Ngoài ra, Hồ Khuê cũng là đồng sáng lập viên công ty ARDOR Architects cùng với KTS Nguyễn Bắc Vũ, giữ vai trò giám đốc thiết kế công ty từ năm 2005 đến năm 2013.
Hơn 10 năm theo đuổi kiến trúc bền vững và đột phá sáng tạo, mỗi cơ hội tiếp cận với bất kỳ một dự án dù quy mô lớn như resort hay một ngôi nhà nhỏ, ông đều trân trọng và dẫn dắt đội ngũ tạo ra những tác phẩm kiến trúc tốt đẹp mang lại giá trị cho cộng đồng và xã hội. Ông luôn tâm niệm “Một công trình có thể sẽ trở thành một di sản kiến trúc trong tương lai, và tự bản thân nó phải biết kể chuyện.” Những điều trăn trở đó đã giúp Ông và đội ngũ luôn suy nghĩ và hành động một cách nghiêm túc.
Ông có thể chia sẻ đôi điều về slogan “Làm đẹp cho đời” – một slogan rất thú vị cho một văn phòng kiến trúc được không?
Tôi luôn tâm niệm rằng, mỗi tác phẩm mình tạo ra hôm nay phải thật sự đem lại giá trị tích cực cho xã hội, ích lợi ấy phải được xây dựng trên nền tảng vững chắc và hiện hữu một cách trường tồn, khi đó sự nỗ lực của ta phản ánh qua tác phẩm sẽ là di sản cho thế hệ sau. Vì thế, slogan này đã, đang và sẽ làm kim chỉ nam, định hướng cho các tác phẩm của văn phòng kiến trúc Hồ Khuê.
Cơ duyên nào đưa Ông đến với kiến trúc hướng về thiên nhiên và cảm xúc con người?
Kiến trúc dù ở quy mô hay loại hình nào thì cốt lõi tạo ra để phục vụ cho con người. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của tôi, phục vụ cho nhu cầu cơ bản của con người vẫn là chưa đủ. Các tác phẩm kiến trúc ấn tượng nên quan tâm đến những nhu cầu cao hơn, mà cụ thể ở đây là nhu cầu cảm xúc, trải nghiệm của người sử dụng. Tôi cũng đã từng tham gia thiết kế với những công trình chỉ giải quyết bài toán đáp ứng công năng cơ bản, vẫn có gì đó khiến tôi chưa thật sự hạnh phúc trong những giai đoạn đấy. Trong một thời gian dài, tôi luôn trăn trở bản thân phải làm gì đó tốt hơn cho các sản phẩm thiết kế. Vì vậy, tôi bắt đầu sống và làm nghề chậm lại và quan sát sự chuyển động của vạn vật xung quanh mình, quan tâm hơn đến cảm xúc của người khác. Đầu năm 2014, chúng tôi mạnh dạn đưa những giá trị mà thiên nhiên ban tặng như nắng, mưa, gió, v.v. vào tác phẩm thiết kế của mình kết hợp với các không gian sáng tạo với mục đích gia tăng cảm xúc của người sử dụng. Đó là những ngôi nhà luôn sẵn sàng chào đón bạn quay về tận hưởng sự ấm cúng, hay là những công trình lưu trú mang lại những trải nghiệm kiến trúc vùng đất mới, hay những không gian làm việc giúp nhân viên thăng hoa, hiệu quả hàng ngày. Có thể nói, cơ duyên đưa tôi đến định hướng kiến trúc về thiên nhiên và cảm xúc con người xuất phát từ biết quan tâm và yêu thương những gì xung quanh mình.
Bản thân là một kiến trúc sư có tình yêu đặc biệt với thiên nhiên, Ông có thể chia sẻ về cách thức/chiến lược mà Ông áp dụng để đưa những yếu tố thiên nhiên làm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng vào trong các tác phẩm của mình được chứ?
Khi nhận thức được con đường mà mình sẽ đi, chúng tôi hành động và tạo ra những tác phẩm thiết kế theo định hướng mình đã chọn, may mắn thay những tác phẩm này được lan tỏa và đón nhận rộng rãi bởi cộng đồng xã hội. Điều này mang lại cho tôi một động lực rất lớn, cho tôi biết rằng con đường này là đúng đắn và phù hợp với sự phát triển bền vững. Càng làm nhiều, trải nghiệm nhiều một thứ, nên chúng tôi đã đúc kết được cách thức hiệu quả để đưa những yếu tố gia tăng trải nghiệm vào tác phẩm kiến trúc của mình.
Dù ở vùng miền nào, tôi cùng đội ngũ cũng sẽ phân tích kỹ lưỡng các yếu tố tự nhiên của vùng miền đấy và khéo léo đưa những yếu tố của thiên nhiên như nắng, mưa, gió, cảnh quan, v.v. vào bên trong công trình. Cách thức này giúp cho không gian của công trình khi được hình thành sẽ là một phần của thiên nhiên, và người sử dụng được hòa nhập vào không gian một cách thoải mái, mang lại nhiều cảm xúc.
Mặt khác, chúng tôi nghiên cứu các vật liệu đặc trưng của địa phương cho mỗi công trình khi tọa lạc tại vùng miền ấy. Chúng tôi trân quý tính thô mộc, nguyên sơ của vật liệu, qua đó mang lại cho công trình những nét tự nhiên, gần gũi với người sử dụng.
Và cuối cùng, yếu tố không thể thiếu trong các tác phẩm kiến trúc của chúng tôi đó là các mảng Xanh, các thảm thực vật. Tôi đồng cảm được với từng ngọn cây, gốc cỏ của mỗi sinh vật, nên khi đưa nó vào lưu trú tại công trình cần phải có “ý”, có “tứ” và tôn trọng nó, thì khi đó thiên nhiên, con người, kiến trúc sẽ hòa thành một.
Ông nghĩ xu hướng kiến trúc hướng đến sự bền vững sẽ phát triển như thế nào trong tương lai gần? Làm thế nào để lan tỏa rộng rãi được giá trị của xu hướng thiết kế này?
Hiện nay, nền kinh tế thị trường phát triển quá nhanh, kéo theo hệ lụy là môi trường sống bị xuống cấp một cách đáng báo động. Điều này đã dấy lên mối quan ngại lớn, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển. Động thái mạnh mẽ nhất trước vấn đề này là Hội nghị LHQ về Biến đổi Khí hậu (COP 2015) mà kết quả là thỏa thuận chung Paris nhằm đưa ra các biện pháp chi phối lượng CO2 phát thải ra môi trường. Vậy, chúng ta có thể thấy được, xu hướng phát triển bền vững sẽ là xu hướng tất yếu sẽ diễn ra, và trước sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại, xu hướng này sẽ được hậu thuẫn bởi các yếu tố công nghệ hiện đại, giúp tạo ra những giải pháp vật liệu, các sản phẩm thay thế không gây hại đến môi trường. Công nghệ hiện đại qua đó cũng sẽ giúp đội ngũ KTS tạo nên những giải pháp kiến trúc không giới hạn nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững cho công trình.
Để lan tỏa được xu hướng có ý nghĩa này, điều đầu tiên cần đến sự nhận thức của con người. Hành tinh chúng ta đang sinh sống là của chung, vậy nên trách nhiệm bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngôi nhà chung là của tất cả mọi người. Thứ hai, chúng ta cần nuôi dưỡng được tình yêu thương đối với vạn vật. Mọi sự vật đều có hơi thở, nhịp sống riêng, và nếu chúng ta kết nối được những điều ấy, chúng ta sẽ mong muốn được gần gũi, được yêu thương và bảo vệ chính môi trường sống của chúng ta. Thứ ba, chúng ta phải nhận thức được giá trị đúng đắn và ý nghĩa của xu hướng này mang lại. Việc phát triển bền vững sẽ đảm bảo được những lợi ích lên sức khỏe và môi trường sống của chúng ta trong một thời gian dài, từ đó truyền được cảm hứng lên các thế hệ sau, giúp sự phát triển ấy mãi trường tồn.
Ông có thể chia sẻ những thách thức, khó khăn khi theo đuổi kiến trúc làm đẹp cho cuộc sống, phát triển kiến trúc bền vững là gì?
Đầu tiên, việc theo đuổi định hướng này đa phần đi ngược lại với lợi ích của Nhà đầu tư ngắn hạn. Kiến trúc bền vững cần một tầm nhìn dài hạn và sự ủng hộ từ các bên tham gia như phải chấp nhận chi phí đầu tư ban đầu cao, nhận thức đúng về định hướng công trình này, quy trình làm việc của toàn đội chuyên nghiệp, v.v.
Thứ hai, xu hướng kiến trúc này vẫn còn rất trẻ với nước ta, bản thân người KTS phải thật sự dũng cảm. Dũng cảm để tìm tòi, học hỏi và đưa ra những giải pháp tưởng chừng như là bất khả thi. Dũng cảm để đứng vững khi không nhận được sự ủng hộ từ các bên liên quan tham gia vào dự án. Và dũng cảm để mắc sai lầm và sửa chữa những sai lầm trên tinh thần cầu thị và kiên định.
Thứ ba, thách thức này đến từ chính bên trong nội tâm của người theo đuổi. Dù ở ngành nghề nào, gánh nặng cơm áo gạo tiền luôn hiện hữu và là một thử thách khó khăn. Nếu thiếu đi sự bền bỉ và theo đuổi đến cùng, chúng ta sẽ dễ bị cám dỗ và quay lưng lại với con đường có ý nghĩa to lớn này.
Khoảng cách lớn nhất giữa lý thuyết và thực hành kiến trúc ở Việt Nam là gì; và để đảm bảo tính toàn vẹn của kiến trúc trong nước, theo Ông, làm thế nào để thu hẹp khoảng cách này?
Có rất nhiều yếu tố gây nên khoảng cách to lớn giữa lý thuyết và thực hành kiến trúc tại Việt Nam và theo tôi khoảng cách lớn nhất là sự thiếu chuyên nghiệp đến từ sự cả nể của văn hóa Á Đông. Trong một dự án, nếu một bên không nhất quán trong ý kiến của mình, liên tục thay đổi khiến cho quy trình thiết kế bị xáo trộn. Nghiêm trọng hơn, các bên khác vì cả nể, cho nên cố gắng ‘chạy’ theo ý kiến không nhất quán ấy, gây nên biến số vô cùng khó kiểm soát khi thực hành kiến trúc.
Để khắc phục và thu hẹp khoảng cách này, chúng ta nên học hỏi và trau dồi cách thực hiện của những dự án tinh hoa trên thế giới. Họ có sự chuyên nghiệp của tất cả các bên tham gia, cùng với các quy trình chặt chẽ để giảm thiểu tối đa biến số giữa lý thuyết và thực tiễn. Từ đó, chúng ta có thể từng bước thay đổi nhận thức về khoảng cách này và có ý thức cải thiện trong từng công trình.
ーConstruction+ Online