Ngày 22/07/2020 vừa qua, Diễn đàn cấp cao về Năng lượng 2020 đã được tổ chức thành công tốt đẹp tại Hà Nội do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đã đồng chủ trì, với sự phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Liên Minh Châu Âu, Đại sứ quán Phần Lan, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam.
Hoạt động sự kiện bao gồm 1 phiên toàn thể diễn đàn cấp cao và 4 hội thảo chuyên đề. Phiên toàn thể diễn đàn cấp cao có quy mô lớn với sự tham gia trực tiếp của hơn 300 đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các diễn giả quốc tế và trong nước tại Hội trường và khoảng gần 1.500 đại biểu tham gia tại 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước và 30 điểm cầu quốc tế.
Tham dự diễn đàn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm bám sát các chủ trương, định hướng, giải pháp tại Nghị quyết 55. Trong đó, sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào thí điểm năm 2022 và phấn đấu có thị trường hoàn chỉnh từ năm 2023; vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than giai đoạn 2026-2030. Các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thí điểm mô hình thị trường cạnh tranh phân phối khí đường ống hạ nguồn, từng bước đồng bộ thị trường khí với thị trường điện ở nước ta”.
Diễn đàn còn có phần phát biểu trực tuyến của Ông Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam về nội dung Tăng trưởng và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo – kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu; phát biểu trực tuyến của Ông Mark Wesley Menezes, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ về Sáng kiến hỗ trợ của Bộ Năng lượng Mỹ cho phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam; phát biểu tại hội trường của Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc điều hành hoạt động Dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về Chuyển dịch năng lượng sạch gắn với phát triển bền vững của Việt Nam.
Chiều cùng ngày cũng đã diễn ra 4 phiên hội thảo chuyên đề, gồm:
Hội thảo chuyên đề 1: “Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Hội thảo chuyên đề 2: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển bền vững năng lượng Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Hội thảo chuyên đề 3: “Phát triển điện gió trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Hội thảo chuyên đề 4: “Phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, mốc thời gian trong các Hội thảo đều xác định đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.”
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Diễn đàn đã tổ chức ký kết 5 Bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi giữa các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Thừa Thiên – Huế, ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu chế tạo trong nước, với tổng giá trị dự kiến của các dự án khoảng trên 20 tỷ USD.
Để biết thêm thông tin chi tiết về sự kiện, vui lòng tham khảo thêm: http://www.energysummit.vn. — Construction+ Online