Giải khuyến khích | Hạng mục “Sinh viên” | Việt Nam | FuturArc Prize 2023
thuộc về nhóm Cassagne Thibault
Nhóm gồm hai sinh viên Việt Nam là Hoàng Quang Phát và Vũ Thanh Thu đang theo học tại Đại học Kiến trúc Hà Nội; và hai sinh viên người Pháp là Cassagne Thibault và Gania Romane đang theo học tại École Nationale Supérieure d’Architecture de Toulouse (ENSA, Pháp). Sau nhiều lần hợp tác cùng nhau, nhóm quyết định tổng hợp kiến thức từ các nguồn khác nhau cùng kinh nghiệm vốn có để thiết kế một công trình dành cho cộng đồng. Nhóm tin rằng cách tốt nhất để tạo nên một công trình bền vững là hướng người dân hòa nhập vào công trình, thông qua đó nâng cao nhận thức của người dân.
THÁCH THỨC
Là vùng đất chào đón những người nhập cư, người lao động vào thành phố, Bãi đá sông Hồng đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của những cư dân đang trú ngụ tại đây. Với gần 200 hộ nông nghiệp đang sinh sống, nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp một phần lương thực, thực phẩm tươi sống cho thủ đô.
Tuy nhiên, ngày nay việc giữ lại phù sa sông Hồng để vùng đất này trở nên màu mỡ đang bị tác động mạnh bởi việc xây dựng các đập thủy điện. Cũng giống như nhiều thành phố đang phát triển ở Châu Á, Hà Nội, nằm ở đồng bằng sông Hồng, đang trải qua thời kỳ phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ dẫn tới nền sản xuất nông nghiệp và thủ công của vùng đồng bằng đang bị biến đổi một cách đáng kể. Các khu vực nông thôn đang theo xu hướng đô thị hóa và công nghiệp hóa, cái giá phải trả là việc đang dần mất đi nền nông nghiệp trù phú, màu mỡ vốn có. Do đó, nhiều người thợ thủ công và nông dân bị mất sinh kế, tạm thời rời bỏ làng quê, di cư đến các vùng ngoại ô thành phố tìm những công việc lương thấp để có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày và cho con cái đi học. Khi nghỉ hưu, họ sẽ lại trở về quê hương.
Dân di cư sinh sống trên một nhánh sông đã ngừng chảy của sông Hồng với diện tích 41.000 m2. Vì không có đất để xây dựng, đất quá cát và dễ sụt lún nên ngôi làng buộc phải di dời. Khi số lượng người di cư tăng lên, ngôi làng phát triển hàng năm và thậm chí còn mở rộng ra cả dòng sông. Hiện nay, làng Phao bao gồm 37 hộ gia đình nhưng không có một công trình cộng đồng nào. Trẻ em trong làng phải đi học ở các trường trên đất liền.
GIẢI PHÁP
Để giải quyết vấn đề này, nhóm đã đề xuất công trình “By the river”, đây là một trung tâm đào tạo và cộng đồng phi tổ chức có diện tích 4.500m2 (bao gồm cả diện tích đất cây trồng), nằm bên bờ sông Hồng.
Mục tiêu của trung tâm cộng đồng này là củng cố sự gắn kết giữa các thế hệ, nhằm chuyển giao kiến thức và kỹ năng thông qua việc đào tạo cư dân trẻ các hoạt động thủ công mỹ nghệ, từ đó tạo thêm thu nhập, cũng như bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể cùng cảnh quan nơi đây. Dự án cũng nằm trong chương trình nâng cấp hai bờ sông Hồng đã được Chính phủ phê duyệt.
Giải pháp thiết kế được thực hiện dựa trên sự phân tích của nhóm, chiến lược dựa trên tình hình hiện có và cải thiện thêm nhằm tối ưu giá trị sử dụng. Việc xây dựng và bảo trì dự án được thực hiện bởi cộng đồng. Công trình trở nên bền vững vì tối ưu được nguồn nhân lực và vật liệu địa phương.
BÌNH LUẬN TỪ BAN GIÁM KHẢO
KTS Vũ Linh Quang:
Về cơ bản, tại khu vực dọc bờ sông này, chính phủ không khuyến khích các cộng đồng dân cư sinh sống. Họ hướng đến giải tỏa để phát triển hệ động thực vật tự nhiên hoặc các loài không phải con người. Nhưng đề xuất này đang hướng đến việc tăng mật độ dân số dọc 2 bên bờ sông, gần trung tâm thành phố. Vì vậy, tổng thể dự án không phù hợp với bối cảnh chính quyền địa phương. Họ đang cố gắng di dời cộng đồng đang sinh sống ra khỏi nơi đây vì sẽ có rất nhiều tàu thuyền hạng nặng vận chuyển hàng hóa chạy trên con sông này. Vậy, nhóm có đề xuất giải pháp tạm thời nào dành cho cộng đồng đang sinh sống nơi đây không?
Cách nhóm sử dụng sơ đồ mặt bằng và vật liệu rất thông minh; cũng như khéo léo bố trí các phòng chức năng, cùng các hoạt động liên quan. Tuy nhiên, dựa trên hình ảnh minh họa, có vẻ như nhóm đang cố gắng tách rời nhà vệ sinh bằng cách đặt nó trên đất liền. Tôi không thể tưởng tượng làm thế nào con người có thể sinh sống trên một ngôi nhà nổi và đi vệ sinh trên đất liền, đặc biệt là vào ban đêm.
TS. KTS Miya Irawati:
- Thiết kế và chức năng của công trình phù hợp với tiềm năng (xã hội, môi trường) và bối cảnh của khu vực.
- Nhóm sử dụng nhựa làm vật liệu, chất thải có khả năng tái chế.
- Nhóm đã đề xuất các hoạt động tạo ra kinh tế cho cộng đồng và hòa nhập vào sự phát triển chung của thành phố.
- Chức năng của dự án không chỉ là một trung tâm đào tạo nghề thủ công và một trung tâm cộng đồng mà còn có thể bố trí thành một khu chợ hay khu trưng bày những sản phẩm thủ công để phục vụ các nhu cầu hàng ngày của cộng đồng.
- Giải pháp đề xuất đến chưa tính đến việc xử lý nước bẩn và sử dụng năng lượng tái tạo để hỗ trợ các hoạt động tại đây.
KTS Nan Chyuan:
Theo tôi, đây là một trong số ít dự án thảo luận về vật liệu, không chỉ gỗ hay tre, mà còn đề cập rộng hơn đến hệ sinh thái – các loại cây được trồng tại công trình, ngoài việc sử dụng trong quá trình lọc thực vật, còn được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm khác nhau mang lại lợi ích cho cư dân. Đây là bối cảnh lý tưởng của nền kinh tế tuần hoàn. Sẽ có một mức độ thú vị nhất định và phối cảnh đồ họa cũng trở nên bắt mắt hơn. Nhưng tôi nghĩ sẽ tốt hơn nữa nếu chúng ta có thêm nhiều cuộc thảo luận dạng này trong ngành kiến trúc. Vấn đề này sẽ được chú ý nhiều hơn vì nó chạm đến không chỉ về vật liệu, mà còn cộng đồng đang sống và làm việc, cũng như cách kết hợp vật liệu vào không gian kiến trúc và cảnh quan.
THÔNG TIN DỰ ÁN
Tên dự án: By The River
Địa điểm: Đồng bằng sông Hồng, Hà Nội
Diện tích: 4.500m2
Cơ cấu dân số
25,1% (0-14 tuổi)
66,7% (15-64 tuổi)
8,2% (65+ tuổi)
Nguồn: Dân số thành phố 2019
ー Construction+ Online