Tọa lạc tại tỉnh Tiền Giang, đồ án Bệnh viện phụ sản Tiền Giang được thiết kế lược bớt các yếu tố kỹ thuật công năng khô khan như các bệnh viện đa khoa thông thường và lấy tính “nữ” làm chủ thể cho ý đồ thiết kế thông qua hình khối đường nét kiến trúc, không gian trải nghiệm, gợi nên cảm giác ôm ấp, vỗ về, đồng cảm với người phụ nữ khi thực hiện thiên chức làm mẹ.
Hình thức kiến trúc mềm mại, nổi bật với hệ lam che trên tháp cao tầng gồm những chi tiết mảnh mai với tạo hình đường cong không những phục vụ được chức năng che chắn cho khối chức năng, mà còn gợi lên nét nữ tính, dịu dàng, thân thiện và đặc biệt còn là đặc điểm nhận diện so với các công trình khác trong tổ hợp y tế tại địa phương.
Mặt bằng công năng được bố trí linh hoạt tạo ra không gian tổng thể cởi mở, chiều chuộng cảm xúc người sử dụng. Tầng 1 gồm sảnh chính kết nối với bãi đỗ xe và cảnh quan sân vườn; khoa cấp cứu nằm tiếp cận với sân đỗ trực thăng và nhà xe cấp cứu; khoa chức năng về chẩn đoán hình ảnh và khám sản; quầy thuốc, cà phê, và nhà hàng liên hệ qua lại với khu khám thông qua sân vườn cảnh quan tạo cảm giác thoải mái thư giãn cho người sử dụng. Tầng 2 được bố trí chủ yếu là các khoa khám cho bệnh nhân ngoại trú và khách vãng lai. Tầng 3 gồm khoa sanh, các dịch vụ cộng đồng như thư viện mở và thư viện chuyên ngành (dành cho y bác sĩ), và khu massage – spa dành cho sản phụ trước và sau sanh. Riêng tầng hầm được bố trí các chức năng như bãi đỗ xe, ban quản lý tòa nhà, khoa dược, giải phẫu đại thể, dinh dưỡng tiết chế và khu nghiệp vụ kỹ thuật.
Hiện trạng khu đất có một kênh nước thủy lợi không thể lấp bỏ, với tiêu chí ít can thiệp mạnh bối cảnh, phương án được tính đến chính là giữ lại con kênh như một phần cảnh quan của bệnh viện, tạo sự kết nối giữa công trình non trẻ và khu vực xung quanh. Từ đó, việc bố trí mặt bằng và cảnh quan đều xoay quanh con kênh này, phát triển trên ý tưởng dòng nước mềm mại, giàu sức sống chảy xuyên qua khe đá mà ở đây là các khối nhà. Đây là sự kết hợp giữa tĩnh và động, bổ trợ cho nhau một cách hài hòa, mà không xâm phạm tổn hại nhau.
Các khối dịch vụ có đông người qua lại được ưu tiên bố trí tiệm cận dòng nước hơn các khối khác, và tận dụng khoảng lùi của công trình so với dòng kênh để làm công viên đi bộ. Hệ thống bờ kè kênh nước được ứng dụng lưới địa kỹ thuật (geo-cell) để chống sạt lở và đảm bảo cho hệ thực vật thủy sinh nơi đây được phát triển tự nhiên, đồng thời không bê tông hóa lòng kênh nhằm góp phần giữ lại hệ sinh thái kênh nước vốn có. Một số cây trồng phù hợp với môi trường bệnh viện cũng được bố trí trong khuôn viên cảnh quan, tạo nên một tổng thể hài hòa từ kiến trúc nội thất bên trong cho đến cảnh quan bên ngoài.
Với yêu cầu khắt khe về vật liệu đối với một công trình y tế cao tầng, đồ án không quá chú trọng vào phá cách, sáng tạo vật liệu. Riêng phần hệ lam che mặt đứng, vật liệu thép tấm đục lỗ dễ tạo hình được ưu tiên lựa chọn sử dụng nhằm tạo ra một lớp vỏ bao che nhẹ, có độ xuyên thấu và độ mảnh mai nhất định.
THÔNG TIN ĐỒ ÁN
Tên đồ án: Bệnh viện phụ sản Tiền Giang
Tên sinh viên: Lâm Hồng Ngọc
Trường học: Đại học Kiến trúc TP.HCM
Chương trình: Kiến trúc công trình
Giám sát/ Hướng dẫn: Ths. Kts Nhan Quốc Trường
Năm đồ án: 2019
Địa điểm: Tiền Giang
Diện tích khu đất: 2,3ha
Tổng diện tích sàn xây dựng: 38.600m2
Chiều cao công trình: 57,6 m
Hình ảnh bởi: Lâm Hồng Ngọc
ーConstruction+ Online
Tin liên quan: Bệnh viện đại học y dược Buôn Ma Thuột