Tọa lạc tại công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, Bảo tàng lịch sử khẩn hoang Nam Bộ là một công trình được đề xuất để giải quyết các vấn đề bền vững về mặt hữu cơ trước nguy cơ đối mặt với một đợt biển tiến tiếp theo, và lưu trữ tất cả những hiện vật có giá trị trong công cuộc khẩn hoang; là nơi nghiên cứu, trao đổi học thuật, đồng thời cũng là nơi trưng bày, mang những giá trị lịch sử cha ông gửi vào ký ức của tầng lớp thị dân mới.
KIẾN TRÚC & BỐI CẢNH
Dựa trên 3/5 luận điểm kiến trúc hiện đại của Le Corbusier để phân tích hình dáng của cây đước, một loài cây đặc trưng của khu vực, phần rễ cây tương ứng với phần móng giúp cho cây vững chắc, đồng thời tạo nên hệ sinh thái nước ngập cho sinh vật, phần thân đóng vai trò như cột đỡ lấy phần tán cây, tạo không gian phát triển sinh vật. Đây cũng là cách con người cộng cư với con nước trong sinh hoạt hàng ngày.
Kiến trúc cộng hưởng với tự nhiên và con người được tạo ra dựa theo cách tự nhiên sinh sống trong tạo hóa và con người cộng cư với tự nhiên, giúp con người sống chan hòa với thiên nhiên, và công trình trở nên hài hòa với bối cảnh.
Ý TƯỞNG THIẾT KẾ
Mang một hình thái kiến trúc thích ứng tốt với môi trường, “nước như một mối đe dọa” được biến thành “nước như một cơ hội” bằng cách tạo ra một không gian kiến trúc nổi bật trên nền nước, qua đó khai thác tối đa vẻ đẹp cảnh quan hoang sơ vốn có trong tự nhiên, giải quyết tốt các vấn đề chuyển tiếp giữa nước, đất, chu kỳ lũ lụt và nền đất yếu của vùng đất ngập nước.
Thông qua ngôn ngữ kiến trúc, du khách sẽ được dẫn dắt về một miền ký ức, các vùng không gian được đóng mở với các vùng đệm cảnh quan tự nhiên gợi nên khung cảnh hoang sơ, tĩnh lặng, tạo sự chuyển tiếp nhẹ nhàng giữa không gian trong và ngoài công trình. Xuyên qua trục cảnh quan tự nhiên, công trình sẽ dần hiện ra như một ngôi đền thiêng nằm nổi bật giữa mênh mông trời nước, một trục tưởng niệm trải dài xuyên suốt dẫn dắt du khách tiến vào công trình, kết hợp với cột mốc biểu tượng đặt ở cuối con đường, càng gợi nên sự tò mò và mong muốn khám phá, chinh phục của du khách trên chuyến hành trình trải nghiệm con đường Nam Tiến lịch sử của cha ông.
MẶT CẮT
Hành trình trải nghiệm con đường Nam tiến được thể hiện qua một tuyến tham quan ngoài trời với những bậc thang và những mảng tường điêu khắc tái hiện lại các cột mốc lịch sử quan trọng của tiến trình Nam Tiến của cha ông. Du khách sẽ bước trên từng bậc thang, mỗi dấu chân đi đều sẽ bắt gặp một cột mốc lịch sử, cảm nhận được sự gian nan, vất vả của cha ông. Cuối con đường sẽ mở ra một quảng trường lớn với khung cảnh mênh mông của biển trời cực Nam tổ quốc, cột mốc biểu tượng sẽ hiện ra, đánh dấu một hành trình dài của dân tộc cũng như tưởng niệm công lao to lớn của những bậc tiền nhân.
KỸ THUẬT – VẬT LIỆU
Nằm ở vị thế một mặt giáp sông và một mặt giáp biển, cùng với vẻ đẹp hoang sơ vốn có, công trình được thiết kế nâng lên, tạo khoảng trống ở tầng trệt, vừa thể hiện sự tôn trọng cảnh quan tự nhiên vừa khai thác tối đa vẻ đẹp hiện hữu của bối cảnh, đồng thời khắc phục các khó khăn về địa hình cũng như hiện tượng nước biển dâng.
Các vùng đất ngập nước tại đây tạo thành vùng đệm tự nhiên chống lại các tác động của mực nước biển dâng, lũ lụt và bão, ngoài ra còn có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh lương thực và nước cũng như sinh kế của người dân địa phương. Trước tình trạng tình trạng sạt lở nghiêm trọng hiện nay do lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mekong đổ về không còn đủ để bồi lắng, cùng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, công trình kết hợp sử dụng kè ly tâm chắn sóng xung quanh khu đất, hạn chế được nguy cơ sạt lở do sóng biển.
Bê tông xanh hay còn gọi là bê tông sinh thái được sử dụng chủ đạo trong công trình, Được sản xuất từ các vật liệu tái chế, chẳng hạn như tro bay, xỉ hoặc bê tông tái chế, bê tông xanh giúp giảm lượng khí thải carbon so với bê tông truyền thống, thân thiện với môi trường, và phù hợp với bối cảnh có không khí ẩm cao, giúp tránh tác động của độ ẩm lên những hiện vật trong bảo tàng.
THÔNG TIN ĐỒ ÁN
Tên đồ án: Bảo tàng lịch sử khẩn hoang Nam Bộ
Tên sinh viên: Lâm Quang Nghị
Trường: Đại học Kiến trúc TP.HCM
Chương trình: Đại học chính quy
Giám sát/ Hướng dẫn: TS. KTS Phạm Phú Cường
Năm đồ án: 2023
Địa điểm: Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, Xã Đất Mũi, Huyện Ngọc Hiển, Cà Mau
Diện tích khu đất: 7 ha
Tổng diện tích xây dựng: 25.357 m²
Chiều cao công trình: 30 m
Hình ảnh bởi: Lâm Quang Nghị
ー Construction+ Online