Bảo tàng địa chất vùng đất đỏ Đông Nam Bộ được đề xuất đặt tại mỏ đá Tân Cang (mỏ khai thác đá bazan cũ), thuộc TP. Biên Hòa, Đồng Nai. Với vị trí thuận lợi nằm giáp với Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long nên thừa hưởng cả sự đa dạng sinh vật của vùng núi cao nguyên và phù sa trù phú của vùng đồng bằng châu thổ, công trình góp phần tạo liên kết chặt chẽ giữa kiến trúc, tự nhiên và con người nơi đây.
BỐI CẢNH
Lấy cảm hứng từ sự đa dạng của giá trị địa chất và ý nghĩa của dòng thời gian hình thành sự sống cũng như mối liên kết giữa đất đỏ bazan và con người trong hàng thiên niên kỷ, công trình bảo tàng được lên ý tưởng thiết kế không chỉ hướng đến việc lưu giữ và bảo tồn địa chất mà còn hướng đến giá trị kinh tế khi có thể vừa phục hồi và cải tạo mỏ đá cũ vừa phát triển xu hướng du lịch địa chất, một nhánh du lịch đang được phát triển mạnh mẽ hiện nay trên thế giới, có thể áp dụng cho vùng Đông Nam Bộ nói riêng và nền du lịch Việt Nam nói chung.
Mặt bằng công trình nằm trên một vách đồi đá đã khai thác được hơn một thế kỷ, hiện trạng mang tính ước lệ về chiều sâu thời gian và chiều rộng không gian. Bên cạnh là địa hình đặc trưng của vùng đất bazan với các lớp địa tầng – địa mạo vô cùng ấn tượng và đặc sắc, cùng với đó là lối tiếp cận từ những cung đường di chuyển khai thác đá, tạo nên sự chênh lệch độ cao giữa nền hiện trạng giao thông so với công trình khi nhìn từ xa.
Ý TƯỞNG THIẾT KẾ
Công trình được lên ý tưởng thiết kế liên kết với hiện trạng của mỏ đá nên ràng buộc trước hết là việc triển khai đồ án phải dựa trên quy hoạch trong khu vực cũng như thành phố.
Hình khối công trình là một khối tổng thể như một khối đá bazan điềm tĩnh nhưng mạnh mẽ, dứt khoát. Trải dài đan cài vào các khối đá cao là các tháp có công năng trưng bày được bố trí như một điểm nhấn của công trình; và cũng là lối di chuyển xuống mỏ đá ngầm với ánh sáng tự nhiên liên tục rọi vào bên trong, với hàm ý đất, đá và các sinh vật liên tục sống giữa quá khứ và hiện tại. Công trình tạo cảm giác nâng bổng hình thành khoảng trống mang âm hưởng của kiến trúc bản địa, nhằm tránh tác động đến lớp hiện trạng địa chất bên dưới dốc đồi đá. Công trình không tạo hình một cách sáo rỗng mà tính toán các mảng đặc – rỗng, sáng – tối để tạo chiều sâu cả về không gian và ánh sáng. Bên trong công trình là một lõi mô phỏng hang địa chất xuyên suốt vừa được xem là tôn trọng tự nhiên, vừa gợi lên ý niệm hồi sinh mỏ đá và đất đỏ bazan đã chết.
KỸ THUẬT
Vấn đề kỹ thuật được cân nhắc nhất là làm sao để xây dựng những tòa tháp theo phương đứng vừa mang công năng trưng bày vừa là lối di chuyển xuống mỏ đá ngầm bên dưới qua nền địa chất hiện trạng. Vì vậy, các tháp công năng được sử dụng kết cấu chịu lực bê tông cốt thép kết hợp với kính tối màu có thể lấy sáng bên trong để gợi lên như sợi dây kết nối giữa mỏ đá ngầm và công trình bên trên. Với kết cấu bê tông cốt thép được ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng hiện đại ngày nay thì các tháp công năng có thể là cột chịu lực chính cho công trình khi nhấc cao hơn so với nền hiện trạng tự nhiên.
VẬT LIỆU
Ưu điểm của công trình khi đặt tại khu đất này là nguồn nguyên vật liệu cho công trình được tận dụng lại bởi hiện trạng của một khu khai thác đá bazan cũ. Công trình sử dụng phần lớn chất liệu bê tông nguyên khối và đá bazan, mang lại nét tối giản nhưng không quá tương phản với hiện trạng, mà hài hòa hơn với tự nhiên. Với việc lựa chọn vật liệu này, công trình có thể giảm tải được phần lớn chi phí vật liệu cũng như áp dụng xu hướng thiết kế bền vững, tính bản địa đặc trưng vào trong đồ án bảo tàng địa chất.
THÔNG TIN ĐỒ ÁN
Tên đồ án: Bảo tàng địa chất vùng đất đỏ Đông Nam Bộ
Tên sinh viên: Nguyễn Trường Duy
Trường: Đại học Kiến trúc TP.HCM
Chương trình: Đại học chính quy
Giám sát/ Hướng dẫn: TS. KTS. Phạm Phú Cường
Năm đồ án: 2022
Địa điểm: Mỏ đá Tân Cang, TP. Biên Hòa, Đồng Nai
Diện tích khu đất: 5 ha
Tổng diện tích xây dựng: 21.135 m²
Chiều cao công trình: 19 m
Hình ảnh bởi: Nguyễn Trường Duy
ー Construction+ Online