Giải khuyến khích | Hạng mục “Sinh viên” | Việt Nam | FuturArc Prize 2023
thuộc về nhóm Nguyễn Khánh Sơn
Vũ Ngọc Khánh và Phạm Thị Trang là sinh viên năm cuối, còn Nguyễn Khánh Sơn và Nguyễn Trọng Sơn thì mới vừa tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Với nền tảng kiến thức chuyên ngành được trang bị từ ghế nhà trường và tinh thần ham học hỏi những kiến thức mới, các thành viên luôn hướng tới sự bền vững và kết nối con người với thiên nhiên trong từng thiết kế nhằm tạo ra nhiều giá trị hơn cho cộng đồng từ góc độ chuyên môn.
THÁCH THỨC
Nam Định là một tỉnh ở phía Nam đồng bằng sông Hồng với chiều dài bờ biển lên đến 72 km. Phần lớn diện tích của tỉnh là khu vực nông thôn (85% dân số nông thôn) với diện tích đất nông nghiệp lớn (chiếm 33% diện tích toàn tỉnh). Khu vực được chọn để thực hiện dự án nằm ở vùng ven biển huyện Hải Hậu, đây là nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra như nước biển dâng, xâm nhập mặn, bão, lũ lụt sau bão và xói lở bờ biển. Sự suy giảm đa dạng sinh học cũng là một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay. Ngoài ra, tình trạng “ô nhiễm trắng” ngày càng trở nên nghiêm trọng với số lượng lớn chai lọ, túi ni lông trôi dạt dọc bờ biển.
Mặc dù những năm gần đây, mô hình gia đình đã chuyển dần sang kiểu “gia đình hạt nhân”, nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình đa thế hệ cùng chung sống. Đặc biệt khi bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2036, người cao tuổi sẽ cần được chăm sóc nhiều hơn. 25% dân số Việt Nam vào năm 2050 là người cao tuổi và khoảng 36% trong số họ sẽ gặp khó khăn trong ít nhất một chức năng.
GIẢI PHÁP
Khu vực dự án bao gồm hai phần chính – phần đất liền (phía trong đê) và phần bờ biển (phía ngoài đê). Gen-e được thiết kế để xóa nhòa khoảng cách giới giữa các thế hệ có xuất thân khác nhau bằng cách thiết lập những không gian chia sẻ cũng như thiết kế để ứng phó một cách thông minh với biến đổi khí hậu và hỗ trợ quá trình phục hồi hệ sinh thái. Đây là một không gian phức hợp đan xen chặt chẽ giữa thiên nhiên và cuộc sống con người đáp ứng sự đa dạng cho hệ sinh thái cộng sinh, đồng thời đáp ứng nhu cầu cơ bản về các biện pháp quản lý nước và hệ thống năng lượng tái tạo đa dạng.
Công trình kết hợp những khối nhà nhỏ, sắp xếp một cách sáng tạo, đan xen với hệ động thực vật tự nhiên đến từ bối cảnh xung quanh. Tuy có thêm chức năng mới đáp ứng nhu cầu sử dụng và gắn kết cộng đồng nhưng việc thiết lập mô-đun cũng kế thừa lại “di sản” từ hiện trạng, là một nơi diễn ra các hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương.
BÌNH LUẬN TỪ BAN GIÁM KHẢO
KTS Vũ Linh Quang:
Đề xuất này đang cố gắng đưa tất cả nhà ở vào một mô-đun lớn, giống như nhà ở xã hội, sau đó mở rộng rừng ngập mặn ra biển để có thể làm được nhiều thứ hơn. Dự án được trình bày tốt. Nhưng ở đây, người dân không sống theo cách này; tôi nghĩ đề xuất chưa thực tế, ít nhất là trong bối cảnh địa phương.
KTS Miya Irawati:
- Nhóm có đề cập 1 vài minh họa liên quan mạng lưới thu gom rác thải, nhưng nó có hướng đến việc thu gom nhựa và rác thải biển không? Phần này nên được thể hiện chi tiết hơn.
- Làm thế nào để các loài cây ngập mặn (cùng hệ thống rễ của chúng) có thể phát triển mạnh khi mà kết cấu công trình đặt trong rừng ngập mặn? Vật liệu xây dựng có chịu được nước biển và hệ thống rễ cây ngập mặn không?
- Diện tích mặt cắt để lấy nước từ rừng ngập mặn nhân tạo đã được tính toán đáp ứng đủ nhu cầu nước sạch cho người dân vào thời điểm bình thường cũng như khi vào mùa mưa chưa? Kích thước mặt cắt phải được tính đến cùng với dữ liệu về lượng mưa ở khu vực này.
- Sử dụng loại sàn nổi nào và vật liệu nào gì?
- Đề xuất này đã được xem xét nhân rộng ở các khu vực bãi biển khác nhau. Điều này có nghĩa các kiến trúc sư đang cố gắng giải quyết các vấn đề ở các khu vực bãi biển xảy ra tình trạng tương tự.
KTS Tan Loke Mun:
Tôi thích ý tưởng này, nhưng sau khi xem kỹ hơn địa điểm dự án, đây là một bãi biển cát trắng, bạn không có cách nào có thể trồng lại rừng ngập mặn. Người ta nói rằng cuộc sống bắt đầu từ rừng ngập mặn, và tôi thích việc họ muốn xây dựng một cộng đồng có có dấu tích rừng ngập mặn, nhưng nếu một con sóng lớn ập vào, tôi không chắc rừng ngập mặn còn có thể tồn tại.
THÔNG TIN DỰ ÁN
Tên dự án: Gen-e
Địa điểm: Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
Diện tích: 50.000m2
Cơ cấu dân số:
24,5% (0-14 tuổi)
63,5% (15-64 tuổi)
12% (65+ tuổi)
Nguồn: Dân số Thành phố 2019
ー Construction+ Online