Xuôi theo dòng sông Hương ra biển cả, nơi giao thoa giữa dòng sông thơ mộng và đại dương bao la chính là Phá Tam Giang. Ẩn chứa vẻ đẹp bình dị, thân thương của xứ Huế, Phá Tam Giang còn được mệnh danh là “hòn ngọc sinh học”, bởi nơi đây có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng.
Với mục tiêu bảo vệ môi trường tự nhiên của hệ sinh thái, Trung tâm sinh hoạt văn hóa Phá Tam Giang được thiết kế với sự tôn trọng tuyệt đối đối với bối cảnh, cụ thể là, bố cục khối theo trục nối kết giữa vùng đầm phá và biển tạo nên sự trải dài và kết nối liên tục với bối cảnh. Các yếu tố địa hình hiện tại gần như được giữ nguyên vẹn, công trình như đang sống cộng sinh với các yếu tố vốn có của nó.
Đồng thời, để bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống của nơi đây, các khối dài mang hình tượng những chiếc thuyền được thiết kế đan vào nhau, tạo nên một khối lớn vững chắc. Các tấm sàn được sắp xếp xen kẽ, gợi lại khung cảnh chợ nổi vốn có của ngư dân vùng đầm phá. Một số tầng được thiết kế có cao độ thấp cho phép nước có thể tiếp cận công trình một cách tự nhiên khi thủy triều lên. Theo dòng nước, ngư dân có thể dễ dàng tiếp cận công trình, từ đó giúp làm mờ ranh giới giữa một công trình công cộng lớn và người dân địa phương.
Cùng với mục tiêu hướng đến người dân, cân bằng sự phát triển giữa vùng đầm phá và cuộc sống của người dân nơi đây, giúp họ nhận thức được những giá trị tiềm năng to lớn của Phá Tam Giang, hai khoảng sân được thiết kế có thể tiếp cận bằng đường bộ và đường thuỷ, tạo nên sự thuận tiện cho người dân cũng như khách muốn tham quan công trình. Bên cạnh đó, các khoảng sân này cũng là khu sinh hoạt văn hoá ngoài trời, giúp lưu giữ và phát huy những nét văn hoá độc đáo của vùng Phá Tam Giang.
KỸ THUẬT
Nhằm hạn chế tối đa những khắc nghiệt của thời tiết, hình khối công trình được thiết kế trải dài và tạo hình uốn lượn mềm mại như tấm lưới nổi trên mặt nước, giúp cho công trình tránh được sự tàn phá khốc liệt trong mùa mưa bão. Ngoài ra, hình thức tỷ lệ những khối bên trong công trình cũng được nghiên cứu từ kiến trúc đình làng Huế, tạo cảm giác thân thuộc cho người sử dụng và khách tham quan.
Việc sử dụng hệ mái cong phức tạp chính là một thách thức lớn khi thiết kế công trình này. Giải pháp chính là những nghiên cứu sâu về hình thức và công năng của từng vị trí chịu lực. Một trong số những hình thức kết cấu nổi bật được sử dụng chính là fractal construction (Fractal là cấu trúc thể hiện sự gần giống nhau về hình dạng của các hình thể kích cỡ khác nhau). Hệ mái lớn được cấu trúc từ những module nhỏ, mà mỗi module nhỏ lại được cấu thành từ nhiều thanh gỗ ghép lại.
VẬT LIỆU
Vật liệu được sử dụng chủ đạo trong công trình là gỗ Bạch Đàn. Đây là loại gỗ khá phổ biến tại Huế, có đặc điểm chịu được nước, thân thẳng, dễ trồng; được người dân địa phương chuộng sử dụng khi làm nhà. Công trình hướng đến sử dụng vật liệu địa phương vừa giúp tiết kiệm ngân sách vừa tiện lợi bảo dưỡng.
Tổng thể công trình tạo nên một điểm nhấn kiến trúc độc đáo, chào đón khách tham quan đến với Phá Tam Giang, mang những nét đặc trưng nơi đây đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
THÔNG TIN ĐỒ ÁN
Tên đồ án: Trung tâm sinh hoạt văn hoá Phá Tam Giang
Tên sinh viên: Lê Anh Tài
Trường: Đại học Kiến trúc TP.HCM
Chương trình: Đại học chính quy
Giám sát/ Hướng dẫn: KTS. Đàm Huỳnh Quốc Vũ
Năm đồ án: 2022
Địa điểm: Phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế
Diện tích khu đất: 7 ha
Tổng diện tích xây dựng: 30.000 m²
Chiều cao công trình: 10,2 m
Hình ảnh bởi: Lê Anh Tài
ー Construction+ Online